Một chương trình team building hấp dẫn và đáng nhớ, có thể để lại trong lòng người tham dự không thể được tổ chức bằng cách ghép ngẫu nhiên các trò chơi team building lại với nhau, mà cần một kịch bản chương trình team building chi tiết, được xây dựng theo một chủ đề nhất định. Cách thiết kế chương trình team building cũng như mẫu kịch bản chương trình team building chi tiết được HNSMEDIA chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng xây dựng được một chương trình team building hay cho công ty, tổ chức của mình.
4 bước cần làm trước khi lên kịch bản chương trình team building
1. Đối tượng tham gia chương trình là đối tượng nào?
Việc xác định đối tượng tham gia chương trình team building và các đặc điểm của họ sẽ giúp bạn thiết kế được một chương trình team building phù hợp và hiệu quả.
Các đặc điểm của đối tượng tham gia chương trình bạn cần xác định gồm: Giới tính (tỷ lệ nam/nữ), độ tuổi, tình trạng sức khỏe (hay thể lực), nghề nghiệp, một số vấn đề cá nhân họ đang gặp phải.
Chẳng hạn nếu người chơi có tỉ lệ nữ giới cao hơn, bạn cần thiết kế các trò chơi ít đòi hỏi thể lực, tập trung vào hơn sự khéo léo, cẩn trọng và tỉ mỉ. Người tham gia có độ tuổi trẻ trong khoảng 20-35 thích hợp với các trò chơi mang tính vận động cao, trong khi độ tuổi trung niên chỉ nên chơi những trò chơi nhẹ nhàng, ít phải vận động và di chuyển.
Nếu công ty bạn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, các trò chơi liên quan đến tính liên hoàn, dây chuyền, thúc đẩy sự cải tiến, đổi mới sẽ rất phù hợp. Ngược lại, thiết kế kịch bản trò chơi team building cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch nên ưu tiên các trò chơi mang lại bài học về sự tôn trọng, hết lòng phục vụ từ trái tim.
Ngoài ra, điều quan trọng nhiều người bỏ qua khi phân tích đặc điểm đối tượng tham gia đó là một số cá nhân gặp phải các vấn đề như chứng sợ nước, sợ độ cao… Bạn cần phải cực kỳ lưu ý những đặc điểm này khi xây dựng mẫu kịch bản chương trình team building để đem lại trải nghiệm trọn vẹn cho người chơi.
2. Xác định mục đích tổ chức chương trình team building
Hơn cả niềm vui và sự gắn kết, team building đem lại rất nhiều giá trị cho chúng ta: sự sáng tạo, khao khát, bứt phá, bản lĩnh, kỷ luật, niềm tự hào… Việc của bạn là cần nhìn nhận, đánh giá thực trạng các vấn đề nhân sự của doanh nghiệp, họ có điểm mạnh điểm yếu ra sao, cần rèn luyện kỹ năng, thay đổi như thế nào để phát triển cá nhân và đội ngũ tốt nhất. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp bạn tạo nên một mẫu kịch bản chương trình team building ý nghĩa với những giá trị thiết thực cho nhân viên của mình. Địa điểm ở biển hay núi, diện tích và không gian đóng vai trò rất lớn cho việc chọn trò chơi.
3. Xác định địa điểm tổ chức chương trình team building
Địa điểm tổ chức team building ảnh hưởng không nhỏ đến kịch bản chương trình team building của bạn. Cụ thể, nếu lựa chọn địa điểm tổ chức ngoài trời, bạn cần thiết kế các trò chơi mang tính vận động cao. Các trò chơi có liên quan đến yếu tố nước lý tưởng với địa hình sông hồ, bãi biển. Trong khi đó, các trò chơi được tổ chức trong nhà lại thiên về trí tuệ nhiều hơn.
Trường hợp bạn lựa chọn địa điểm có địa hình đa dạng, mẫu kịch bản trò chơi team building concept amazing race sẽ đem lại trải nghiệm cực kỳ thú vị và khó quên cho chương trình.
4. Xác định thời gian, thời lượng tổ chức chương trình team building
Team building thường được tổ chức kết hợp với các chuyến đi du lịch, chương trình du lịch MICE hay các hoạt động dã ngoại ngắn ngày. Tùy theo lịch trình của chuyến đi, bạn hãy sắp xếp thời gian tổ chức cho phù hợp.
Theo kinh nghiệm của công ty tổ chức team building HNSMEDIA, thời gian tổ chức team building nên diễn ra vào đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều. Đây là thời điểm không quá ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong chương trình như tiệc gala, hội thảo đào tạo, huấn luyện… Bên cạnh đó, thời tiết tại hai thời điểm này khá dễ chịu, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người chơi nếu bạn tổ chức chương trình ở ngoài trời.
Về thời lượng, bạn nên xây dựng cấu trúc chương trình vừa phải, đảm bảo phù hợp thể lực của người tham gia, tránh thời lượng quá dài dẫn tới tình trạng mất sức và mệt mỏi cho mọi người. Một mẫu kịch bản chương trình team building đạt được hiệu quả tốt nhất khi có thời lượng từ 45 đến 120 phút.
Hướng dẫn cách thiết kế chương trình team building hay
Thiết kế một chương trình team building hay không hề đơn giản. Ngoài kinh nghiệm tham gia nhiều trò chơi team building, bạn còn cần phải có chuyên môn để am hiểu về thiết bị, địa hình, cách vận hành một chương trình đảm bảo an toàn và không xảy ra những rủi ro, tai nạn đáng tiếc. Bên cạnh đó, bạn còn cần biết nắm bắt xu hướng để các trò chơi luôn mới lạ và sáng tạo, đem lại sự hào hứng cho người chơi bởi có rất nhiều người cũng từng tham gia không ít các chương trình team building như bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn tự xây dựng kịch bản chương trình team building cho doanh nghiệp, tổ chức của mình, bạn có một lợi thế hơn bất kỳ ai: đó chính là sự am hiểu về văn hóa của tổ chức, biết được những điểm mạnh, điểm yếu, thiếu sót… từ đó thiết kế một chương trình team building phù hợp và đem lại hiệu quả tối đa cho doanh nghiệp.
Dưới đây là các bước để thiết kế một chương trình team building hay, hấp dẫn và ý nghĩa cho doanh nghiệp. Hãy kết hợp với 4 bước phân tích phía trên để tạo thành một mẫu kịch bản chương trình team building hoàn hảo nhất.
1. Lựa chọn chủ đề, slogan chương trình team building
Bước đầu tiên, để tìm ra được một chủ đề chương trình team building phù hợp, ý nghĩa nhất (chưa cần hay), bạn hãy trả lời tất cả những câu hỏi: Mục đích tổ chức team building của bạn là gì? Bạn mong muốn người chơi rèn luyện được những kỹ năng như thế nào thông qua các trò chơi? Thông điệp bạn muốn truyền tải sau khi chương trình kết thúc? Sau đó chọn một câu trả lời có độ dài khoảng 10-15 từ.
Bước thứ hai, để slogan trở nên ngắn gọn, xúc tích, ấn tượng và dễ nhớ, bạn hãy tìm cách thay đổi, biến tấu từ ngữ trong câu, hoặc chuyển hóa sang dạng ngôn ngữ khác (Việt sang Anh) với các cụm từ ấn tượng, dễ nhớ hơn mang ý nghĩa tương đồng. Một slogan chương trình team building dễ nhớ và dễ gây ấn tượng nên có độ dài dưới 8 từ.
2. Lựa chọn concept chương trình team building
Chắc hẳn bạn đã từng nghe hoặc từng tham gia các chương trình team building như Amazing Race (Cuộc đua kỳ thú), Champion Dash (Vượt chướng ngại vật), Color Me Run (Đường đua sắc màu) hay team building Quân Đội. Đây đều là những chương trình team building được thiết kế theo concept riêng rất độc đáo và lôi cuốn người chơi
Việc thiết kế kịch bản chương trình team building theo ý tưởng có thể sẽ cần một khoản chi phí cao hơn liên quan đến trang phục, dụng cụ … Tuy nhiên, hiệu quả đem lại về mặt ấn tượng, ghi nhớ, đặc biệt là hiệu ứng truyền thông sẽ lớn hơn nhiều so với một chương trình team building thông thường.
3. Thiết kế kịch bản trò chơi team
Trong khoảng 120 phút, kịch bản trò chơi team building thông thường được chia thành 4-5 trò chơi. Mỗi trò chơi sẽ mang một tên gọi, mục đích, ý nghĩa khác nhau nhưng tựu chung lại đều có liên quan đến chủ đề, thông điệp và ý tưởng chương trình.
Game 1: Khởi động
Đây là phần chơi nhằm khởi động tinh thần của các thành viên. Sau khi phân chia đội hình và sáng tạo bản sắc riêng, các đội sẽ nhận áo, nhận cờ đội và cùng tham gia một số hoạt động “làm nóng” như xoa bóp cho nhau, lắc lư theo điệu nhạc.
Game 2: Phá băng
Trò chơi team building thứ hai thường mang tính chất vui vẻ, hài hước, nhằm phá vỡ “tảng băng” giữa các thành viên, giúp mọi người vui vẻ, cởi mở hơn, sẵn sàng tinh thần và thể lực để chơi hết sức mình trong những trò chơi kế tiếp.
Game 3: Vượt chướng ngại vật
Sau khi đã được khởi động và chuẩn bị kỹ càng ở hai trò chơi đầu tiên, người chơi sẽ bắt đầu bước vào cuộc đua thực sự ở trò chơi thứ ba này. Trong trò chơi có tính chất vượt chướng ngại vật, người chơi cần phải hỗ trợ nhau để cùng vượt qua thử thách. Mục đích của trò chơi này chính là kết nối các thành viên, xây dựng tinh thần đồng đội.
Game 4: Tăng tốc
Trong phần game tăng tốc, để hoàn thành thử thách, toàn bộ các thành viên trong đội phải thể sự đồng lòng, chung sức. Đồng thời, vai trò của người lãnh đạo/quản lý cũng được đề cao trong trò chơi này.
Game 5: Về đích
Trò chơi thứ 5 kết lại chuỗi trò chơi trong chương trình team building, cũng là trò chơi thể hiện thông điệp, chủ đề của chương trình. Trong trò chơi cuối cùng này, sức mạnh đoàn kết, ý chí chinh phục, vươn tới đỉnh cao sẽ được thể hiện rõ nét nhất.
Kết thúc trò chơi sẽ là phần tổng kết ý nghĩa, bài học và trao giải cho các đội.
Kết thúc:
– Tổng kết ý nghĩa, bài học, kinh nghiệm
– Nhắc lại các kỷ niệm đã qua và kỷ niệm ngày hôm nay.
– Trao giải cho các đội
– Chụp ảnh lưu niệm